Lượt xem: 972

Hiệu quả nuôi ong lấy mật gắn với tiêu thụ sản phẩm

Khoảng 10 năm trở lại đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại hộ. Hiện tại, mô hình nuôi ong lấy mật đang có chiều hướng gia tăng, bởi diện tích cây ăn trái tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều loại hoa của các loại cây ăn trái nở rộ quanh năm và là cơ hội để người dân phát triển nghề “nuôi ong lấy mật”. Do đó, để hỗ trợ hộ dân triển khai mô hình nuôi ong lấy mật hiệu quả và duy trì bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách đã triển khai mô hình “Ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi ong gắn tiêu thụ sản phẩm”, bước đầu đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ thực hiện mô hình.

 


Ông Lê Thanh Tùng phát triển nghề “nuôi ong lấy mật” gần 10 năm qua, đem lại nguồn thu nhập tại hộ hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Để tìm hiểu về nghề “nuôi ong lấy mật” của hộ dân được Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hỗ trợ các kỹ thuật và số lượng ong lấy mật tại hộ, chúng tôi đến tham quan thực tế khu vực đặt các thùng nuôi ong lấy mật của ông Lê Thanh Tùng, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách đúng thời điểm ông Tùng đang lấy mật ong đợt đầu tiên sau hơn 1 tháng đặt thùng ong nuôi, trong vườn nhãn da bò 7 năm tuổi. Hơn 1 giờ thu hoạch mật ong trong thùng, lượng mật thu về lên đến hàng chục lít, nên ông Tùng rất phấn khởi với thành quả của mùa vụ nuôi ong năm 2022 đem lại.

    Nhiệt tình mời khách tham quan dùng thử mật ong hoa nhãn, có mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt thanh, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ: “Tôi nuôi ong lấy mật gần 10 năm nay, với số lượng đàn ong nuôi là 100 thùng; để duy trì đàn, ngoài việc nuôi ong lấy mật tại địa phương thì trong năm, phải di chuyển đàn ong đến một số tỉnh như Long An, Tiền Giang… để ong lấy mật các loại hoa theo mùa. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Kế Sách được nhà vườn xử lý, nên các loại cây ăn trái ra hoa kết trái liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn ong nuôi có đủ lượng mật sinh trưởng và cho người nuôi thu về lượng mật tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nên tôi không phải đưa đàn ong đi các tỉnh. Ong mật được tôi nuôi quanh năm, thời điểm ong cho mật nhiều nhất là vào các tháng 1, 2, 3 âm lịch (số lượng mật thu về khoảng 200 lít - 250 lít/100 thùng/tháng); riêng các tháng còn lại, ong vẫn cho mật nhưng số lượng mật ít hơn, ước khoảng 30 lít - 150 lít/100 thùng/tháng”.

    Theo ông Lê Thanh Tùng, mặc dù có kinh nghiệm trong nhiều năm nuôi ong lấy mật nhưng kỹ thuật tiên tiến về nuôi ong đạt sản lượng mật và đảm bảo đàn ong duy trì “quân số” ổn định, thì ông Tùng mới được tiếp cận kể từ khi Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hỗ trợ gia đình ông 20 thùng ong, giống ong Ý. Theo đó, ông Tùng được Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hướng dẫn các kỹ thuật trong việc tạo ong chúa, thay ong chúa, nhân đàn ong bằng thức ăn nhân tạo; quy cách thùng nuôi ong để ong phát triển tốt; cách phòng trị côn trùng thường gặp trên ong và cách điều trị khi ong bị bệnh. Bên cạnh đó, trong khâu thu hoạch mật ong, Trạm Khuyến nông huyện cũng hướng dẫn việc thu hoạch mật ong, nhằm đảm bảo chất lượng mật và hỗ trợ luôn việc liên kết tiêu thụ mật ong cho ông Tùng, với giá bán cao hơn bên ngoài thị trường 5% - 7%.

    Đồng chí Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kế Sách cho biết: “Thông qua việc hỗ trợ mô hình “Ứng dụng kỹ thuật mới trong nuôi ong gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại hộ ông Lê Thanh Tùng do đơn vị thực hiện, đã đem lại kết quả hết sức thiết thực cho hộ, bởi sản phẩm trong mô hình là mật ong sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng cả về thực phẩm dinh dưỡng và dược liệu. Đồng thời, việc triển khai mô hình đã góp phần chuyển giao kỹ thuật nuôi ong giống ngoại nhập Italia (ong Ý) cho bà con nông dân trên địa bàn huyện; qua đó, giúp người nuôi ong lẫn nhà vườn trồng cây ăn trái tăng thu nhập, trên cùng diện tích đất sản xuất”.

    Ngoài số lượng thùng ong hộ ông Tùng có sẵn, cộng thêm số thùng ong được Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách hỗ trợ, mô hình này đã cho hộ ông Tùng thu nhập gần 400 triệu đồng trong năm 2022. Chính hiệu quả về kinh tế mà mô hình đem lại, trong thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cho hộ dân trên địa bàn huyện có nhu cầu nuôi ong lấy mật.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 206
  • Trong tuần: 70,633
  • Tất cả: 11,802,640